Ủy thác nhập khẩu- Nên hay không nên?

Hợp đồng ủy thác nhập khẩu là gì?

Ủy thác nhập khẩu bản chất là ủy thác mua bán hàng hóa, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác (Điều 155 Luật thương mại 2005). Do đó, có thể nói hợp đồng ủy thác nhập khẩu là một dạng hợp đồng trong đó bên ủy thác giao một phần hoặc toàn bộ hạng mục công việc cho bên nhận ủy thác với nhiệm vụ đưa một hoặc một số loại hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng.

Vì sao cần ủy thác nhập khẩu?

Nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Nhập khẩu giúp đa dạng hàng hóa, sản phẩm trong nước; thúc đẩy sản xuất trong nước không ngừng phát triển; tạo ra quá trình chuyển giao công nghệ,… Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tự mình thực hiện nhập khẩu hàng hóa, đó là các trường hợp:

  • Doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu, tuy nhiên mặt hàng muốn nhập khẩu không nằm trong danh sách các hàng được phép nhập khẩu cho doanh nghiệp (được ghi nhận trên giấy phép xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương cấp).

  • Doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu, tuy nhiên đây là một mặt hàng mới, để hoàn thành thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam mất khá nhiều thời gian.

  • Doanh nghiệp mới thành lập, chưa rõ các quy trình và hình thức làm việc với hải quan cũng như quy trình nhập khẩu hàng hóa.

Do đó, việc ủy thác nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được các vướng mắc, khó khăn của mình. 


Nội dung và hình thức của hợp đồng ủy thác nhập khẩu

Hợp đồng ủy thác nhập khẩu có thể bao gồm các nội dung chính sau:

  • Đối tượng của hơp đồng;

  • Giá cả hàng hóa;

  • Quy cách, chất lượng hàng nhập khẩu;

  • Thù lao ủy thác;

  • Phương thức và thời hạn thanh toán;

  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;

  • Hiệu lực và chấm dứt hợp đồng.

Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu,…

Sự khác biệt giữa ủy thác và ủy quyền

Đều là những hình thức mà một bên chủ thể nhân danh bên chủ thể khác để thực hiện các công việc trong một phạm vi nhất định, nhưng giữa ủy thác và ủy quyền có các điểm khác biệt sau:

Thứ nhất, về hình thức: thỏa thuận ủy quyền có thể tồn tại dưới các hình thức: giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền, quyết định ủy quyền. Còn ủy thác luôn tồn tại dưới dạng hợp đồng ủy thác bằng văn bản hoặc các hình thức pháp lý khác có giá trị tương đương.

Thứ hai, về lĩnh vực chủ yếu thực hiện: ủy quyền thường được áp dụng trong các lĩnh vực dân sự, ủy thác được sử dụng trong lĩnh vực thương mại.

Thứ ba, về thù lao: việc thù lao ủy quyền do các bên tự thỏa thuận. Hợp đồng ủy quyền có thể là hợp đồng có đền bù hoặc hợp đồng không có đền bù. Nhưng hợp đồng ủy thác luôn là hợp đồng có đền bù. 

Vậy làm thế nào để viết một hợp đồng ủy thác nhập khẩu đúng quy định 

Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành như đã phân tích ở trên, đặc biệt lưu ý đến các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của hai bên và phạt vi phạm. Theo luật thương mại, mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Đối với hợp đồng này, bên nhận ủy thác thường phải chịu những rủi ro cao, bởi lẽ, bên nhận ủy thác chính là bên đứng tên trên các giấy tờ pháp lý, chịu trách nhiệm pháp lý khi nhập hàng, vì vậy, nếu hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm thì việc xử lý các công việc phát sinh sau đó sẽ gây tổn thất cho bên nhận ủy thác. Bên ủy thác cũng gặp phải một số vấn đề nhất định như thiếu sự chủ động trong công việc, gặp rủi ro nhất định về thông tin nhà cung cấp và sản phẩm nhập khẩu. Người nhận ủy thác và nhà cung cấp đã quen giao dịch với nhau, nên đã có trường hợp bên nhận ủy thác nhập khẩu luôn mặt hàng đó từ chính cùng nhà cung cấp để kinh doanh, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp đã từng ủy thác trước đây.

Hợp đồng ủy thác nhập khẩu chịu sự điều chỉnh chủ yếu của những quy định pháp lý nào?

  • Luật thương mại 2005;

  • Luật quản lý ngoại thương 2017;

  • Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/05/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương;

  • Thông tư số 12/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 15/06/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/05/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương.